Có người 3 ngày đã âm, có người 10 ngày vẫn dương
Hôm qua nhà mình có việc nên về quê, mọi người nói chuyện cô vít cô veo thì thím mình kêu ‘có gì đâu, tôi có 3 ngày là đã âm tính rồi’. Còn cô mình thì bảo là ‘thế mà tôi 15 ngày mới âm’. Vậy mới thấy dường như mỗi người có thời gian hồi phục khác nhau ấy, người thì nhanh nhưng cũng có những người cả chục ngày rồi mà vẫn còn hai vạch.
Mình chỉ thắc mắc là những người mà bị hai vạch kéo dài thế thì có sao không nhỉ? Ý là có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và sau bao lâu thì họ sẽ âm.
Về vấn đề này, mình có tìm thấy thông tin trên một số tờ như Người Lao động, Tuổi trẻ… Cụ thể mình sẽ chia sẻ ở bên dưới, mọi người cùng theo dõi nhé.
F0 sau nhiều ngày vẫn còn hai vạch. Ảnh minh họa, nguồn: TQ
F0 đến ngày thứ 10 rồi mà vẫn còn hai vạch, điều này có đáng lo ngại không?
Theo TS. Stephen Kissler (Khoa Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, Mỹ) cho hay: F0 theo dõi và điều trị tại nhà thường sẽ có kết quả test nhanh hai vạch trong 6 – 10 ngày. Nếu là xét nghiệm PCR thì thời gian dương có thể lâu hơn nữa.
Còn PGS.TS. Alberto Paniz-Mondolfi (Khoa bệnh học, y học phân tử và tế bào, Trường Y dược Icahn, Mount Sinai, Mỹ) thì nhận định: Bạn vẫn có thể dương tính trong nhiều tuần, thậm chí là vài tháng. Ông cũng đề cập tới việc y học đã ghi nhận các xét nghiệm PCR dương tính lên tới 60 ngày.
Lý giải về điều này, ông nói rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến số ngày mà một người nào đó có thể có kết quả dương. Một trong số đó là do sự biến hóa liên tục của cô vít. Điều đó khiến cho việc dự đoán chính xác thời gian dương của F0 trong bao lâu gặp khó khăn.
TS. Kissler cho biết: Ngay cả với test nhanh, việc một F0 có kết quả hai vạch lên đến 14 ngày không phải là hiếm. Nhất là với những người chưa tiêm chủng. Nói tóm lại, có rất nhiều sự khác biệt về khoảng thời gian dương của F0, trong đó trung bình là từ 6 – 10 ngày nhưng hoàn toàn có thể lâu hơn. Vì vậy, nếu bạn đang là F0 và có kết quả hai vạch trong khoảng thời gian trên là điều hoàn toàn bình thường.
Với BS. Lê Xuân Thắng (nguyên là bác sĩ khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103) nêu ý kiến: Bình thường F0 sẽ âm tính trong khoảng 2 tuần. Nhưng cũng có những người kéo dài hơn 2 tuần. Điều đó còn tùy thuộc vào sức đề kháng cũng như khả năng đào thải cô vít của từng người. Nghĩa là, thời gian âm lâu hay mau còn phụ thuộc vào từng cá thể.
BS. Thắng cũng chia sẻ rằng bản thân anh đã từng tư vấn cho F0 có kết quả test hai vạch rất lâu. F0 này bị mất vị giác, chán ăn nên chỉ uống nước. Do đó, cơ thể luôn mệt mỏi, đến ngày thứ 15 rồi mà test vẫn hai vạch.
Về vấn đề mắc cô vít kéo dài có nguy hiểm không, BS. Thắng cho hay: tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bội phát cho F0. Bên cạnh đó, người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ làm lây lan cô vít nếu chủ quan.
Tờ Người Lao động cũng từng đưa tin về trường hợp của một độc giả có tên là Nguyễn Quân thắc mắc: ‘Tôi là F0 đã cách ly tại nhà đến nay là 28 ngày mà test PCR vẫn dương, chỉ số CT 29.5, lần 2 vẫn 29.5. Vậy tôi phải làm sao?’
Với vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh (cố vấn Khối Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM) giải đáp như sau: Có những trường hợp F0 hai vạch kéo dài. Tuy nhiên, trong đó có khi là xác cô vít cũng có khi là virus sống. Chúng ta không thể phân biệt được trừ khi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Xác thì không lây được nhưng CT dưới 33 thì vẫn có thể lây. Tình trạng dương kéo dài là do cơ địa và chỉ có thể chờ chứ không có cách nào để giúp bạn mau âm tính được cả.
Bác sĩ lý giải nguyên nhân. Ảnh minh họa, nguồn: TQ
F0 xét nghiệm mãi chưa chịu âm tính thì phải làm sao?
Theo TS. Kissler, khi còn hai vạch thì nghĩa là bạn vẫn có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Song, mức độ lây thế nào thì còn tùy thuộc vào thời điểm mà bạn nhiễm bệnh. Nó dễ lây lan nhất trong khoảng thời gian đầu tiên khi F0 mới bắt đầu nhiễm. Nhưng khi đã nhiễm từ 8 – 10 ngày thì bạn vẫn có thể lây cho người khác nhưng không nhiều như giai đoạn đầu.
Do đó, còn hai vạch thì bạn vẫn cần cách ly cho tới khi xét nghiệm cho về âm tính mới thôi.
Còn TS. K.C. Coffey (Khoa Dịch tễ học và Sức khỏe cộng đồng, Đại học Y khoa Maryland, Mỹ) đánh giá: nếu bạn có kết quả dương sau 10 ngày điều trị thì bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như khẩu trang, sát khuẩn, tránh tiếp xúc 14 – 20 ngày sau khi nhiễm.
Theo BS. Thắng, để khắc phục tình trạng này, F0 nên bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể để giúp cơ thể có đủ năng lượng chống chọi với cô vít. Nếu cơ thể thiếu nặng lượng thì sẽ khiến tình trạng mắc bệnh kéo dài. ‘Nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng thì cơ thể rất khó mà khỏe lại được. Việc bổ sung dinh dưỡng trong quá trình điều trị cô vít là rất quan trọng’, BS. Thắng nhấn mạnh.
Đồng thời, nên để cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, không vận động mạnh, giữ tinh thần thoải mái, ăn uống thêm hoa quả để có đủ sức khỏe đào thải hết cô vít ra ngoài nhanh chóng.
Đây là những thông tin mà các chuyên gia đã chia sẻ trên báo chí. Mọi người có thể tìm hiểu để biết thêm. Nói chung là còn hai vạch thì còn cần phải ăn nhiều, nghỉ ngơi nhiều và cách ly thêm để nhánh lây lan, đừng lo lắng quá kẻo lại hại sức khỏe.
Nguồn: Tổng hợp